Web3 là gì? Tổng quan về Web3 một cách chi tiết nhất

5/5 - (1 bình chọn)

Chắc hẳn nhiều anh em hoạt động trên Internet thời gian gần đây cũng đã ít nhất 1 lần được nghe qua thuật ngữ Web 3. Nhưng nó thật sự là gì và hoạt động ra sao thì có lẽ rất nhiều người vẫn chưa hình dung ra được. Sau một thời gian nghiên cứu, mình muốn chia sẻ với anh em góc nhìn về Web 3 và mong rằng nó có thể sẽ giúp cho anh em hiểu rõ hơn về xu hướng công nghệ mới này. Bài nghiên cứu này với 6 chủ đề (có thể phát sinh) sẽ được đăng trên website của Review Invest, anh em đón xem nhé!.

Khái niệm về Web3

Web1 là gì?

Để có thể hiểu rõ hơn về Web3 thì trước tiên ta hãy tìm hiểu xem hai thế hệ trước là Web1Web2 là gì?

Web1, còn được gọi là Static Web, là giai đoạn đầu tiên của World Wide Web (viết tắt là www), được phát minh bởi Nhà khoa học máy tính người Anh là Tim Berners-Lee, kéo dài khoảng từ năm 1997 đến năm 2005. Ở giai đoạn sơ khai này, các trang web mà con người sử dụng chỉ là các trang web tĩnh, không có sự tương tác, người dùng chủ yếu tiếp nhận bằng cách đọc thông tin bằng văn bản một chiều từ người tạo nên nội dung và những người sáng tạo nội dung này cũng rất hạn chế. Dữ liệu và nội dung được cung cấp từ các tệp tĩnh chứ không phải từ các cơ sở dữ liệu lớn như hiện nay.

Khái niệm Web1 bởi Tim Berners-Lee
Khái niệm Web1 bởi Tim Berners-Lee
Giao diện Web1
Giao diện Web1

Web2 là gì?

Web2, còn được gọi là Participatory Web và Social Web, là giai đoạn web mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Khái niệm Web2 còn được Tim O’Reilly định nghĩa bằng 7 đặc tính sau đây:

    • Web có vai trò là nền tảng
    • Khai thác trí tuệ cộng đồng
    • Dữ liệu đóng vai trò quan trọng
    • Kết thúc của Chu kỳ phát hành phần mềm
    • Thời đại của mô hình lập trình nhẹ
    • Phần mềm không chỉ chạy trên 1 thiết bị
    • Trải nghiệm người dùng đa dạng hơn

Thế hệ web này được nhen nhóm phát triển từ những năm 2000, tạo ra một không gian Internet nơi mà những người dùng có thể tương tác với Internet, nghĩa là anh em không chỉ được tiếp nhận thông tin ở nhiều dạng (văn bản, hình ảnh, video) từ Internet mà anh em còn có thể sáng tạo thông tin và đưa ngược nó lên không gian mạng. Nhờ vào các nền tảng công nghệ lớn như Youtube, Facebook, Twitter,… mà trải nghiệm của người dùng trên Web2 trở nên trực quan và đa dạng hơn nhiều.

Khái niệm Web2 bởi Tim O’Reilly
Khái niệm Web2 bởi Tim O’Reilly

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, dữ liệu sẽ được lưu trữ ở các cơ sở dữ liệu tập trung tại các máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ mà ta sử dụng, điều này sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro về xâm hại quyền riêng tư hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân. Thậm chí, còn có các cáo buộc các nhà cung cấp dịch vụ này sử dụng “miễn phí” thông tin của khách hàng để trục lợi, khiến cho người dùng không sử dụng thì bị tuột lại so với người khác nhưng nếu sử dụng thì lại lo lắng cho sự an toàn thông tin.

Giao diện Web2
Giao diện Web2

Web3 là gì?

Web3 được đưa ra lần đầu vào năm 2006 bởi W3C (Tổ chức tiêu chuẩn cho World Wide Web – được sáng lập bởi Tim Berners-Lee): “Semantic Web (Web3) cung cấp một framework chung cho phép dữ liệu được chia sẻ và tái sử dụng thông qua các ứng dụng, các công ty và các biên giới cộng đồng.”. Với khái niệm đó, W3C muốn định hướng Web3 trở thành một công cụ thông minh và tự động, nơi mà tất cả các dữ liệu sẽ được liên kết, chia sẻ với nhau và được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến như AI (Trí tuệ nhân tạo) để có thể cung cấp kết quả tốt hơn phục vụ cho con người.

Tuy nhiên, Web3 này hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về việc AI chưa sẵn sàng phục vụ con người mà còn vấn đề nằm ở dữ liệu để cung cấp cho các bộ máy xử lý. Mặc dù thời gian vừa qua cũng đã có một số ứng dụng tương tự khái niệm này xuất hiện (như Siri trên Iphone hoặc Alexa của Amazon) nhưng các dữ liệu đưa vào là do các nhà phát triển ứng dụng đó thu thập từ chính lượng người dùng lớn của họ.

Việc này sẽ gây cản trở đối với sự phát triển của Web3 bởi vì các nguồn dữ liệu này sẽ bị kiểm soát bởi các công ty khác nhau, chúng sẽ không được “tự do” để có thể liên kết với nhau khi một ứng dụng Web3 nào đó cần. Ngoài ra, việc sợ bị rò rỉ thông tin hoặc thông tin bị sử dụng “miễn phí” sẽ khiến cho người dùng sợ hãi và không dám cung cấp thông tin cá nhân cần thiết cho các ứng dụng Web3, đặc biệt là những ứng dụng nhỏ được phát triển bởi các công ty không có tên tuổi trên thị trường.

Định nghĩa Web3 của Gavin Wood (Co-Founder Ethereum, Founder Polkadot) được đưa ra vào năm 2014 khi thành lập Web3 Foundation với sứ mệnh là:
Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp Web 3.0, một internet phi tập trung và công bằng, nơi người dùng kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.”
Như vậy, Web3 Foundation sẽ tạo ra một môi trường mà dữ liệu sẽ được phân tán, công bằng và sự kiểm soát, sử dụng dữ liệu đó sẽ nằm trong tay người dùng. Và tất nhiên, công nghệ Blockchain sẽ được sử dụng để thực hiện sứ mệnh này.

Với định nghĩa Web3 của ông Gavin Wood đã củng cố thêm cho khái niệm Web3 của ông Tim Berners-Lee và đưa Web3 trở thành tương lai có thể hiện thực hóa được, tạo ra một môi trường dữ liệu “tự do”, được khai thác và xử lý bởi các thuật toán AI giúp cho việc đáp ứng nhu cầu của người dùng toàn diện hơn, thông minh hơn và an toàn hơn.

Giao diện của Web3
Giao diện của Web3

Cách thức hoạt động của Web3

Theo góc nhìn từ nghiên cứu của mình, cách hoạt động của các thực thể tham gia sẽ thay đổi rất nhiều

  • Đối với nhà cung cấp dịch vụ (tương tự như Facebook, Google,…) thì không cần phải xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn để lưu trữ thông tin người dùng mà chỉ tập trung vào việc phát triển các thuật toán, công nghệ để có thể phân tích các dữ liệu được nạp vào để có thể cung cấp các dịch vụ phục vụ người dùng tốt hơn. Các thuật toán này sẽ là các mã nguồn mở và được kiểm duyệt bởi các tổ chức kiểm toán như CertiK, Hacken,… để đảm bảo tính phân tán dữ liệu được nạp vào và xuất ra và đảm bảo các thuật toán đó hoạt động đúng đắn, hiệu quả.
  • Đối với người sử dụng dịch vụ, lúc này, sẽ có toàn quyền quyết định dữ liệu của mình, đòi hỏi họ phải thận trọng hơn trong việc sử dụng dịch vụ đã được kiểm duyệt để tránh bị khai thác dữ liệu. Ngoài ra, người dùng sẽ phải KYC thông tin của mình trên một nền tảng Identity (như ONT, hoặc KILT trên Polkadot) để dữ liệu về cá nhân có thể nạp vào các thuật toán của ứng dụng. Tất nhiên, các dữ liệu KYC này sẽ được phân tán và mã hóa để giữ an toàn cho người dùng.

Lưu ý: Các dự án được nêu trên chỉ là ví dụ cho anh em hiểu, không mang ý nghĩa của một lời khuyên đầu tư.

Phân tích SWOT

SWOT là mô hình đánh giá dựa vào 4 tiêu chí: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức).

Strengths

  • Công nghệ phi tập trung giúp cho dữ liệu được phân tán, tạo nên sự an toàn về dữ liệu của người dùng. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp cho dữ liệu trở nên công bằng, không bị tập trung vào các hãng thương hiệu lớn và mọi nhà cung cấp dịch vụ đều có khả năng tiếp cận những dữ liệu đó.
  • Các thuật toán khi được tiếp cận các dữ liệu đó sẽ trở nên thông minh hơn và phục vụ con người hiệu quả hơn.
  • Giúp cho việc tham gia không gian mạng trở nên an toàn hơn và hạn chế sự kiểm soát, xâm phạm của nhà cung cấp dịch vụ lên người dùng.
  • Tạo nên sự dễ dàng, thuận tiện, an toàn khi thực hiện giao dịch với những người dùng lạ mặt trên không gian mạng
  • Khắc phục sự cố sập máy chủ khi dữ liệu được phân tán, không tập trung vào một cơ sở dữ liệu bị sập.
  • Tạo điều kiện để nhiều ý tưởng mới lạ có thể hiện thực hóa để phục vụ đời sống con người trong tương lai

Weaknesses

  • Tỷ lệ phạm tội có thể gia tăng bởi vì thiếu đi sự kiểm soát do dữ liệu và quyền được phân cho người dùng.
  • Dữ liệu là thành phần thiết yếu của Web3 cho nên cần phải có các công nghệ, thuật toán để khai thác và xử lý dữ liệu thật hiệu quả
  • Vì là phân quyền và không có sự kiểm soát của các tổ chức nên người dùng phải trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ tài sản và thông tin của mình

Opportunities

  • Web3 đang nhận được sự quan tâm lớn không chỉ ở người dùng mà cả ở các tổ chức, quỹ đầu tư công nghệ lớn hiện nay
  • Công nghệ blockchain đã được phát triển một thời gian dài và đã có nhiều bước tiến để ứng dụng được vào Web3
  • Vấn đề bảo mật dữ liệu đang ngày càng được quan tâm khi trong thời gian qua, nhiều vụ kiện các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google,… thu thập thông tin người dùng bất hợp pháp. Đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển Web3
  • Các thiết bị công nghệ hiện nay đã rất phát triển và đa dạng, tạo cơ sở để Internet of Things (IoT) phát triển mà Web3 là trung tâm

Threats

  • Phát triển nền công nghiệp AI đủ mạnh để có thể xử lý dữ liệu và cho ra kết quả đáp ứng nhu cầu của người dùng
  • Giải quyết được các bài toán về khả năng mở rộng, tốc độ nhưng phải bảo mật của công nghệ Blockchain. Ngoài ra, phí mạng quá cao và không ổn định cũng là một bài trở ngại lớn đối với sự phát triển của Web3
  • Khái niệm Web3 còn mới và mơ hồ với đại đa số người dùng
  • Ngoài ra, còn có một số thuyết âm mưu cho rằng Web3 sẽ bị cản trở bởi một số thương hiệu cung cấp dịch vụ lớn bởi vì công nghệ này sẽ làm mất đi vị thế độc tôn mà họ đang nắm giữ.

Kết luận

Và đó là toàn bộ nội dung của Chủ đề 1, chủ đề viết tổng quan về Web3, có thể một số anh em mới tham gia vào thị trường sẽ không thể hiểu hoặc hình dung ngay được về thế hệ Web này. Nhưng không sao, những gì mới thì sẽ rất khó khăn, hãy tiếp tục theo dõi để hiểu hơn về công nghệ mới này. Ngoài ra, anh em cũng có thể thử trải nghiệm các sản phẩm DeFi hoặc Game NFT, đây sẽ là những trải nghiệm giúp anh em có thể dễ dàng hiểu được Web3 là gì. Chúc anh em có cái nhìn sâu rộng để có thể nắm bắt tốt nhiều cơ hội đầu tư trong xu hướng mới này.

5/5 - (1 bình chọn)

Mời bạn tham gia nhóm trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn... mới nhất về thị trường Crypto & DeFi cùng hơn 5000+ anh em và cùng đội ngũ Review Invest.

Telegram Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *