Gần đây, Ban quản lý khu công nghệ cao TP. HCM đã tổ chức hội nghị quốc tế thường niên khu công nghệ cao thành phố lần thứ 6 – năm 2019 với chủ đề “Công nghệ Blockchain cho đô thị thông minh”, quy tụ các chuyên gia công nghệ Blockchain trong nước và quốc tế.
Hội nghị nhằm cung cấp những cập nhật và thành tựu mới nhất về nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain (chuỗi khối) trên thế giới, cũng như các ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ Blockchain.
Hội nghị cũng nhằm tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các viện, trường trong lĩnh vực mới nổi này.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, cho biết nội dung hội nghị rất phù hợp với sự phát triển đô thị thông minh của thành phố hiện nay. Với việc xây dựng đô thị thông minh, TP. HCM luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain… Sau hội nghị này, thành phố sẽ nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain một cách hiệu quả.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, qua đánh giá, có 4 mảng ứng dụng công nghệ Blockchain quan trọng nhất tại TP. HCM gồm:
Ứng dụng trong cung cấp các dịch vụ công, giúp tránh được sự nhầm lẫn hay bỏ sót hồ sơ, tài liệu và đảm bảo tính minh bạch trong toàn chuỗi liên thông xử lý hồ sơ; ứng dụng trong quản lý và điều hành đô thị; ứng dụng trong phát triển kinh tế; ứng dụng Blockchain trong phát triển xã hội ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, phát triển cộng đồng…
Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Thành phố ký kết hợp tác với CBA Ventures (Hàn Quốc) về nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết TP. HCM sẽ sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ Blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ mang lại uy tín cho những sản phẩm của thành phố cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế, mà quan trọng hơn, còn là thước đo về trạng thái thực của các quy trình sản xuất tại từng đơn vị sản xuất cụ thể.
Như thế, Blockchain không chỉ là phương tiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mà cao hơn là công cụ giúp làm thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các chuẩn mực quốc tế khi nước ta hội nhập ngày càng sâu với quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Edmund Oh, Trưởng nhóm tư vấn chiến lược kinh doanh của CBA Ventures Hàn Quốc, đã giới thiệu về tình hình ứng dụng Blockchain trên thế giới, nhất là liên quan đến sự thích hợp và triển khai Blockchain với các đô thị thông minh, qua đó đề xuất các bước triển khai; nội dung giải quyết các thách thức về ứng dụng rộng rãi Blockchain, đặc biệt là một đô thị như TP. HCM.